Theo Health Sina, ăn sáng đúng cách không chỉ giúp cải thiện khả năng tư duy, ngăn ngừa sỏi mật, mang đến trạng thái tinh thần tốt cả ngày mà còn tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể và kéo dài tuổi thọ. Bữa ăn sáng rất quan trọng với cơ thể, song ăn thế nào cho đúng còn quan trọng hơn. Sau đây là một số điều lưu ý khi ăn sáng tránh rủi ro và bệnh tật đồng thời giúp duy trì sức khỏe tổng thể:

Ăn sáng quá sớm

Nhiều người có thói quen dậy lúc 5-6h để ăn sáng bởi cho rằng có thể kịp bổ sung các chất dinh dưỡng cho cơ thể sau một đêm dài. Theo các chuyên gia, khi cơ thể ngủ vào ban đêm, hầu hết các bộ phận cũng nghỉ ngơi, nếu ăn sáng quá sớm sẽ ảnh hưởng đến sự nghỉ ngơi đường tiêu hóa, có thể làm tổn thương dạ dày, gây hại sức khỏe. Các nhà nghiên cứu khuyến khích mọi người nên ăn sáng vào lúc 6h30 đến 8h30 và tạo thói quen này thường xuyên.

Môi trường xung quanh ảnh hưởng đến chất lượng  bữa ăn

Nhịp sống ngày càng nhanh nên nhiều người, đặc biệt là nhân viên văn phòng tiết kiệm thời gian đã mua bữa sáng trên vỉa hè, ăn trong khi đi bộ hoặc trên xe buýt. Cần chú ý thức ăn đường phố rất khó đảm bảo vệ sinh vì dễ dính khói bụi, khí thải xe và các thành phần có hại trong túi nhựa đe dọa sức khỏe của bạn. Các chuyên gia khuyến khích mọi người nên dậy sớm vài phút, tự làm bữa sáng và thưởng thức món ăn do chính mình chế biến. Như thế không chỉ tăng cảm giác thèm ăn, ngon miệng mà còn giúp bạn có được tâm trạng vui vẻ trong ngày.

Bữa sáng quá đơn điệu

Một số người nghĩ rằng sữa và trứng rất bổ dưỡng nên sáng nào cũng ăn và không dùng các thực phẩm khác. Trong thực tế, ăn sáng lặp đi lặp lại một hay hai loại thức ăn sẽ không có lợi và không đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Thay vào đó nên ăn theo chế độ dinh dưỡng cân bằng. Các chuyên gia gợi ý bữa ăn sáng chất lượng cao phải chú trọng cân bằng dinh dưỡng, ngoài nạp thực phẩm giàu protein cũng phải ăn đủ lượng trái cây và rau quả để đáp ứng nhu cầu vitamin và khoáng chất cho cơ thể.