Trong vòng một tuần qua, 2 em bé bị đuối nước được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ hồi sức tích cực song vẫn không cứu được các cháu. Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết điều quan trọng quyết định sự sống còn cho trẻ bị đuối nước là thời gian chìm trong nước. Nếu bé ngập nước quá 4-5 phút có thể gây tổn thương, thiếu oxy não, nhiều khả năng để lại di chứng cực kỳ nặng nề. Yếu tố quan trọng nữa là khi vớt trẻ lên cần phải thực hiện sơ cứu kịp thời và đúng cách. - Đưa nạn nhân ra khỏi vùng nước. Nếu bé gặp nạn ở sông, ao hồ... sẽ rất hoảng loạn nên cần người biết bơi giỏi, chuyên nghiệp dùng vật dụng nổi để vớt lên và đưa vào bờ. - Trẻ cần được đánh giá xem còn thở không, nếu đã ngưng tim ngưng phổi thì thực hiện hồi sức tim phổi ngay tại chỗ. - Tiến hành ấn tim với lực ấn đạt chiều sâu 1/3 đến 1/2 bề dày lồng ngực. Nếu ấn nhiều quá trẻ sẽ gãy xương sườn, ấn nhẹ thì không hiệu quả. Lưu ý đặt vị trí ấn cho đúng. Bắt mạch ở các mạch máu lớn như nách, cổ, hoặc bẹn... nghe mạch nảy là có hiệu quả. - Ấn 15 cái, kiểm tra trẻ có thở không. Nếu bé không thở, ngực không di động thì phải hà hơi thổi ngạt. Trường hợp có một người thì ấn tim và hà hơi thổi ngạt theo tỷ lệ 30 lần ấn tim và 2 lần thổi ngạt. Nếu 2 người thì ấn tim 15 cái, thổi ngạt 2 cái. Khi hà hơi thổi ngạt mà lồng ngực nạn nhân không nhô lên thì phải kiểm tra lại. - Hồi sức tại chỗ vài phút cho tới khi bệnh nhân tự thở, mạch tự đập lại được, sau đó chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Hiện nay các trung tâm cấp cứu ngoại viện cũng có thể điều động nhân viên y tế hỗ trợ kịp thời. Nếu không ấn tim, thổi ngạt liên tục 5 phút thì trẻ sẽ tử vong. Tuyệt đối không được ngưng hồi sức rồi đưa trẻ đi cấp cứu. - Nếu có phương tiện vận chuyển như xe hơi thì trong lúc di chuyển đến viện cần đặt trẻ nằm, tiếp tục ấn tim hà hơi thổi ngạt liên tục trên đường đưa trẻ đến cơ sở y tế, không được gián đoạn. Bác sĩ Phương cho biết dân gian có nhiều phương pháp sơ cứu như sốc nước (dốc ngược nạn nhân lên vai rồi chạy quanh), lăn lu... Những cách này có thể vô tình làm mất thời gian vàng, trẻ không được sơ cứu tim phổi kịp thời mà còn thêm tổn hại vì tác động không đúng cách. Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên cẩn trọng với vật dụng chứa nước trong nhà, đặc biệt là khi gia đình có trẻ ở độ tuổi chập chững biết đi dễ ngã chúi đầu vào. Cần trông chừng trẻ tránh xa các hồ ao quanh nhà, bảo đảm an toàn ở hồ bơi, khi đi chơi sông biển, tàu thuyền cần nghiêm túc mặc đồ bảo hộ...